Thương hiệu - hữu xạ tự nhiên hư
Thương hiệu - hữu xạ tự nhiên hương
BT- Văn hóa ẩm thực đường phố của
người dân chúng ta có từ rất lâu đời. Hàng quán thường không có biển hiệu nhưng
thương hiệu được xác lập do những thực khách ghi nhận.
Chiều tối, những nhóm bạn trẻ ở Phan
Thiết chỉ cần ới nhau ghé qua đường Hải Thượng ăn bánh bèo, hay ghé đường Ngư
Ông ăn bánh căn là biết ngay cái quán nho nhỏ nằm xeo xéo nhà thờ Tin Lành và
gần bên Sở Thủy sản cũ. Không nói đến vấn đề an toàn thực phẩm, mỗi hàng quán
không tên ở bên đường phố hay trong con hẻm nhỏ đều có nét hay riêng, ý vị
riêng.
Có một quán bún bò nằm trên đường
Trần Hưng Đạo - Phan Thiết mà cái hương, cái vị của nước lèo và rau ăn kèm không
giống bất kỳ nơi nào. Nhiều thực khách sành ăn quả quyết, phong vị bún bò này
không phải Bắc, cũng chẳng phải Nam, càng không phải Huế. Hương vị bún bò nơi
đây không lẫn vào đâu được và độc đáo hơn là tên gọi của một ai đó đặt cho ngẫm
đi, nghĩ lại thật hay! Bún bò “dơ”- thương hiệu: Hữu xạ tự nhiên hương.
Bạn tôi tên Công ở Phan Thiết lần
đầu rủ đi ăn bún bò “húp”, đã thế còn chua thêm bún bò “dơ”. Nghe chờn chợn tôi
gặng, bạn bí mật: “Cứ đi ăn khắc biết!”.
Hồi đó quán chỉ có một số bàn gỗ,
vài mươi chiếc ghế mộc, xung quanh vương vãi những cọng rau răm. Trên bàn chỉ có
chai dấm, dĩa rau răm. Khách vừa kéo ghế là có ngay một tô bún nóng hổi, cắm hai
chiếc đũa do cô con gái của ông già người Bắc bưng tới ngay. Thực khách từ già,
trẻ, gái, trai; từ bác xe ôm, chị bán vé số, anh công chức nghèo đến giám đốc,
quan chức cấp cao của tỉnh… cứ bưng tô lên dùng đũa mà lùa, mà húp xì xà, xì xụp
ngon lành. Vậy mới có tên bún bò “húp”. Còn bún bò “dơ” thì đây: Cái tô sành
khờn vành đen thui, rau răm rửa qua thực khách tự lặt, ăn xong lấy đũa quẹt mép
và tự động đến xô trà đá múc uống. Phải công nhận, người nào đặt tên bún bò “dơ”
thiệt hay, đến mức chết tên, thành thương hiệu có một không hai. Cũng phải công
nhận, bún bò nơi đây có vị đặc biệt đến mức nhiều người đi xa cũng còn nhớ, nhất
là chính ông già người Bắc tự tay nấu và trực tiếp múc mới ngon. Nhiều người quả
quyết như vậy!
Quán bây giờ đã thay bàn ghế gỗ
thành ghế nhựa, trên bàn có ống đũa muỗng, khăn giấy, nước uống, tô sứ cao cấp,
tăm xỉa răng. Điều đó cũng có nghĩa không “dơ” nhưng đã chết tên thành thương
hiệu. Anh bạn tôi định cư ở Mỹ ngót mười lăm năm, lần về nước hỏi: “Ông già bán
bún bò “dơ” còn sống không?”. Tôi bảo: “Còn!”. “Bây giờ ai bán?”. “Thì ổng chớ
ai!”. “Vậy sáng mai mình đi ăn nghen! Qua bển, nhớ về Phan Thiết, nhớ nước mắm
thì ít mà nhớ tô bún bò “dơ” của ông già người Bắc ghê gớm!”. Lần đó, anh “đá”
một hơi hai tô. Không chỉ có anh mà nhiều người bạn ở Sài Gòn chỉ ăn một lần thì
lần sau có dịp ra Phan Thiết cũng nằng nặc đòi ăn cho được một tô bún bò “dơ”
mới cam chịu về quê. Thế mới biết quán bún bò này nổi tiếng đến vậy. Nhiều thực
khách thường xuyên của quán này cho biết kinh nghiệm sau một đêm “say quắc cần
câu”, sáng ra chỉ cần tô bún bò “dơ” là tỉnh rượu. Một anh bạn làm ở Tòa án
tỉnh, sau một trận bệnh sai con chạy đi mua hai tô bún bò “dơ” ăn cho đã thèm.
Một buổi sáng, tôi đang ngồi ăn,
thấy thằng nhỏ bận bộ đồ dầu chạy đến kêu: “Bán cho hai tô bún bò dơ!”. Ông già
người Bắc quát: “Biết dơ còn mua!?”. Một cậu thanh niên ăn mặc bảnh bao đang xì
xụp, chuông điện thoại reo, anh nói: “Tao đang ăn sáng ở quán bún bò dơ!”. Cô
con gái ông già người Bắc đứng sau lưng, quát: “Biết dơ, còn ăn!”. Kỳ thực, gọi
bún bò “dơ” vì nó đã là thương hiệu do chất lượng do chính khách hàng xác lập.
Chỉ cần gọi quán bún bò “dơ” là biết ngay quán của ông già người Bắc nằm gần Tòa
án cũ, trên đường Trần Hưng Đạo. Vì đã có thương hiệu của quán bình dân, nhưng
một tô bún bò “dơ” hiện tại giá cả không còn bình dân chút nào. Tuy vậy, sáng
nào quán cũng đông người từ già, trẻ, gái, trai; từ bác chạy xe ôm, chị bán vé
số, anh công chức nghèo, giám đốc đến quan chức cấp cao của tỉnh... cũng tới lui
nhộn nhịp.
HỮU CÁN