Chuyện mới về hôn nhân của người
Chuyện mới về hôn nhân của người K’ho ở La Dạ
BT- Xóa bỏ những
phong tục, tập quán phong kiến, lạc hậu trong hôn nhân và gia đình của người
K’ho, thay vào đó là nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và
gia đình cho bà con đồng bào. Đồng thời phát huy truyền thống những phong tục
tập quán tốt đẹp để gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng quan hệ hôn nhân và gia
đình tiến bộ là những thành quả mà xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) đã làm được ngày hôm
nay.
Những phong tục
hôn nhân của người K’ho
La Dạ là xã đồng bào dân tộc thiểu
số, phần lớn là người K’ho. Trong phong tục hôn nhân, lâu nay họ vẫn duy trì
tính chất chế độ mẫu hệ. Theo người dân nơi đây kể lại, trước đây phong tục hôn
nhân của người K’ho có nhiều tập tục lạc hậu, phong kiến. Đó là tục bắt chồng,
khi người con trai đến nhà người con gái ngủ lại thì người con gái sẽ giữ lại
một thứ gì đó để làm chứng, sau đó người con gái báo lại cho cha mẹ, cậu ruột
biết và tổ chức sính lễ, trường hợp người con trai không ưng thì sẽ bị phạt. Đến
tục làm dâu, trước khi tiến hành đám cưới người con gái sẽ về nhà người con trai
ở trong khoảng thời gian từ một đến ba năm sau đó mới làm lễ cưới. Trong lễ
cưới, ông cậu hai bên gia đình đứng ra chủ trì. Tục tổ chức đám cưới, bên nhà
gái chịu hoàn toàn kinh phí để tổ chức đám cưới tại nhà trai. Đám cưới diễn ra
hai ngày và tùy vào điều kiện nhà gái, vật thách cưới có thể là khăn, mền bằng
đồ dệt thổ cẩm do chính tay người đồng bào dệt, ngoài ra còn có các lễ vật khác
như trâu, heo, dê, vàng... Sau khi tổ chức đám cưới xong gia đình nhà gái buộc
dây vải mềm vào tay chú rể kéo về nhà gái, từ đó họ chính thức chung sống với
nhau. Trường hợp phát hiện vợ hoặc chồng có biểu hiện ngoại tình, thì gặp người
làm mai mối tổ chức hòa giải cho hai vợ chồng lấy lại như ban đầu, nếu bên nào
sai sẽ bị xử phạt. Còn khi người chồng già yếu, ốm đau bệnh tật hoặc không còn
khả năng lao động thì hai bên gia đình sẽ tổ chức hòa giải, nếu không thành
người chồng phải về nhà cha mẹ đẻ và không được mang theo tài sản gì (nếu có thì
phải được sự đồng ý của gia đình nhà vợ) và quyền nuôi con thuộc về người vợ.
Người đồng bào dân tộc K’ho còn có tục nối dây, nếu người vợ chết sớm thì sẽ lấy
em vợ (nếu em vợ đồng ý), trường hợp không có thì người đàn ông phải ra khỏi
nhà.
|
Phụ nữ xã La Dạ được khảo sát về Luật Hôn nhân
và gia đình. Ảnh: T.T |
Hôn nhân theo chế độ mẫu hệ nên mọi
việc lớn bé trong gia đình đều do người phụ nữ quyết định. Quyền thừa kế tài
sản, đất đai, nhà cửa sẽ thuộc về người con gái út. Vì thế, xảy ra tình trạng
nhiều cặp vợ chồng gắng đẻ cho bằng được con gái để thừa kế nên mỗi gia đình
trung bình có 6 – 7 đứa con. Nếu gia đình nào không có con gái thừa kế, các ông
chồng không chịu phấn đấu làm ăn, chi tiêu không tiết kiệm, có trường hợp lén
bán đất, tài sản để ăn nhậu và đánh đập vợ con. Bên cạnh đó, do tục bắt chồng
sớm nên những chàng trai, cô gái mới độ tuổi 14 – 15 đã kết hôn, khi những đứa
con ra đời chúng không có giấy khai sinh, bố mẹ chưa được trang bị kiến thức
trong nuôi dạy con nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, không được đến trường cao…
Xóa bỏ những tập
tục phong kiến
Trước thực trạng đó, chính quyền địa
phương đã phối hợp với các ngành chức năng đưa Luật Hôn nhân và gia đình năm
2000 của Chính phủ quy định đối với các dân tộc thiểu số vào thực hiện tại đồng
bào dân tộc K’ho xã La Dạ. Sau 8 năm thực hiện, đến nay nhận thức của người dân
về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình được nâng lên, các tập tục
phong kiến trước đây đã xóa bỏ. Từ năm 2004 đến nay trên địa bàn xã có 289
trường hợp đến đăng ký kết hôn tại UBND xã; tỷ lệ nam nữ đủ tuổi mới được kết
hôn đạt trên 80%; tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 60% giảm còn trên 36%; tỷ lệ trẻ suy
dinh dưỡng từ 50% giảm còn 33,97%; ông Trần Đăng Thụ - Chủ tịch UBND xã La Dạ
cho biết: “Có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong
công tác tuyên truyền vận động. Nâng cao nhận thức cho người dân về việc sinh
con ít để đảm bảo việc chăm sóc nuôi dạy con tốt. Tập trung truyên truyền, vận
động các cặp vợ chồng đến UBND xã để đăng ký kết hôn; tuyên truyền trong ĐVTN về
luật nam đủ 20 tuổi, nữ 18 tuổi mới được kết hôn. Vì thế, những đôi trai gái ở
La Dạ hiện nay khi đến với nhau đa số là tự nguyện, có tìm hiểu. Bên cạnh xóa bỏ
những phong tục hôn nhân lạc hậu, phong kiến chúng tôi vẫn phát huy truyền thống
những phong tục tập quán tốt đẹp, để gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng quan hệ
hôn nhân và gia đình tiến bộ”.
Thanh Thủy