Bình Thuận đón Rija Nưgar

Bình Thuận đón Rija Nưgar

 BT- Khoảng đầu tháng tư dương lịch hằng năm, các dân tộc và các nước Nam Á và Đông Nam Á như: Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào... ảnh hưởng văn minh Ấn Độ rộ lên lễ lớn: lễ đầu năm. Mỗi nước đặt tên lễ mỗi khác, nhưng ý nghĩa là tương tự. Dân tộc Chăm xưa nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn cũng nằm trong hệ thống ấy. Người Chăm gọi là lễ Rija Nưgar (tạm dịch lễ hội xứ sở).

Lâu nay thông tin đại chúng quen gọi lễ Katê được tổ chức đầu tháng 7 lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) là tết Chăm. Không phải! Rija Nưgar mới đúng là tết, nếu muốn gọi thế. Bởi chính lễ Rija Nưgar diễn ra vào đầu năm, và mang ý nghĩa như tết Nguyên đán của dân tộc Kinh. Cuối cùng, ở Rija Nưgar, tất cả người Chăm không phân biệt tín ngưỡng-tôn giáo, và việc hành lễ gần như nhau, cùng ngày và cùng cách thức, chỉ vài khác biệt nhỏ.

Vừa qua, khắp các palei Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận và cả người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh tưng bừng đón lễ hội này. Không lên tháp hành hương như trong lễ Katê, cũng không vào Sang Mưgik (nhà chùa Hồi giáo) như trong lễ Ramưwan, mà lễ được dựng rạp tổ chức ngay trung tâm của mỗi làng. Đặc biệt, người Chăm không hành lễ vào chính ngày đầu năm như nhiều dân tộc khác mà là ngày thứ năm và thứ sáu trong tuần đầu của năm. Mà thứ năm phải là ngày chẵn, nếu không thì phải dời sang tuần sau! Năm nay, Rija Nưgar diễn ra vào ngày 11 và 12/4/2013.

Tại một chốn công cộng ở đầu làng, bằng dụng cụ sắm sẵn: gỗ, tre, tranh, cà tăng… người ta dựng rạp hai mái, mặt hướng về phía Đông để trống, mặt đối diện được che kín. Lễ vật chỉ với vài cặp gà, vài mâm bánh trái vào ngày đầu; ngày sau mới cúng dê. Chủ lễ là Mưdwơn gru (thầy vỗ) vừa điều khiển cuộc lễ vừa hát các bài ca lịch sử hay bài tụng ca đồng thời vỗ trống Baranưng đệm theo lời hát. Bên cạnh có một Mưdwơn khác phụ lễ. Nhưng có thể nói, nhân vật trung tâm của cuộc lễ phải là Ong Ka-ing, một vũ sư nhảy múa.

Rija Nưgar không chỉ là một lễ nghi tôn giáo, mà hai ngày lễ còn diễn ra bao nhiêu hội, ở đó có ca - múa - nhạc với đầy đủ yếu tố làm nên buổi biểu diễn nghệ thuật. Từ múa chèo thuyền cho đến múa roi, múa khăn, múa đội cho đến múa đạp lửa; từ các điệu trống Baranưng, Ginang hay tiếng kèn Xaranai cho đến tiếng hát tụng ca khi trầm buồn khi hùng tráng, độc đáo và lôi cuốn.  

Lễ lớn và đầy ý nghĩa như thế, nhưng so với Katê, thời gian qua Rija Nưgar ít được thông tin đại chúng chú ý đến. Vì sao? - Katê có lên tháp, từ đó lễ dễ biến thành hội.  Katê lôi cuốn giới trẻ Chăm, thu hút du khách thập phương, từ đó hai tiếng Katê ngày càng vang xa. Rija Nưgar thì ngược lại, có vẻ kém thế hơn. Nói thế, không phải tất cả đều lãng quên Rija Nưgar!

Inrasara