Thanh long quê ngoại

Thanh long quê ngoại

BT- Nhà tôi chỉ cách nhà ngoại chừng hơn 10 cây số. Nhưng thỉnh thoảng cha mẹ mới chở chúng tôi lên thăm. Một phần vì bận rộn, nhưng ái ngại nhất là mỗi lần đến nhà ngoại, người và xe cộ cứ nhuộm vàng bụi đất. Mẹ bảo, ngày trước con đường này còn khó đi hơn nhiều; nhất là vào mùa mưa, không cẩn thận, sụp xuống “ổ trâu, ổ voi”, người xe ướt bẩn hết. Bây giờ, người ta có sửa chữa, giặm vá, tôn nền, nhưng mặt đường đất, đá cấp phối; xe chở thanh long qua lại thường xuyên nên chẳng mấy chốc mà hư hỏng, bụi bặm. Ở đây ai cũng mong, chính quyền quan tâm đầu tư trải nhựa con đường này.

Nhà ngoại nằm cạnh con suối, có cây cầu gỗ bắc qua. Thỉnh thoảng xe qua lại cứ rầm rầm. Có lần vào mùa lũ, nước dâng cao, chảy xiết cuốn trôi cả cây cầu, thế là đôi bên cách trở vài ngày. Ngoại tôi nói vui: “Mấy ngày đó cứ mang thanh long ra ăn trừ bữa”. Tôi không tin, làm sao mà ăn thanh long thay cơm được. Nghe vậy, ngoại cười, xoa đầu tôi trìu mến.

Ngoại tôi gần 70 tuổi, nhưng còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ông là một trong những người trồng thanh long đầu tiên trong vùng. Hiện nay, ông và mấy người thành lập một hợp tác xã thanh long ruột đỏ, thuê hẳn 10 nhân công chăm sóc. Ngoại bảo: Việc trồng thanh long ruột đỏ này khó hơn ruột trắng, mà  bán sản phẩm cũng khó. Chủ yếu, ngoại tôi bỏ mối thanh long ruột đỏ cho vài cơ sở để bán cho khách du lịch; còn lại gửi theo tàu hỏa mang ra Đà Nẵng, Hà Nội để bán. Dịp tết năm ngoái, ngoại chở hẳn một chuyến ô tô khoảng 5 tấn quả ra bán khảo sát ở thị trường thủ đô; rất may 2 ngày hết veo. Lần đó trở về, ngoại xuống nhà, dẫn tôi và em trai đi ăn kem, rồi mua cho mỗi đứa một bộ đồ mới tinh ăn tết. Nói vậy, việc trồng thanh long của ngoại vất vả lắm. Trước đây, mỗi lần đến chơi, tôi đều thấy ngoại, các cậu, dì suốt ngày ở vườn; khi thì làm cỏ, khi thì bón phân, xịt thuốc, vuốt tai…Bây giờ, ngoại không làm những việc đó nữa, mà giám sát, chỉ đạo kỹ thuật, điều hành hợp tác xã. Ai bảo dễ, chứ điều hành hợp tác xã đâm ra còn khó hơn là đứng vườn xịt thuốc, vuốt tai. Khó nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, chủ yếu vẫn tự thân vận động. Người trồng thanh long ngày một nhiều, mà thị trường chưa mở rộng và với cung cách sản xuất như ở quê ngoại thì khó vượt qua nổi hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm ở đất Âu, Mỹ. Vì vậy, người trồng thanh long như ngoại vẫn phải thấp thỏm, lo âu “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Mặc dù trồng thanh long vất vả, giá cả bấp bênh, nhưng cũng nhờ cây thanh long mà quê ngoại tôi thoát nghèo. Có thể ngoại tôi chưa thực sự giàu từ cây thanh long, nhưng nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nó, nhà cửa khang trang chẳng khác gì biệt thự trên phố, con cái được chăm lo học hành; nhưng cũng có gia đình khi có tiền chiều chuộng con cái đâm ra hư hỏng.

Ngoại bảo, ở quê chưa bao giờ có đêm. Tôi cười, không tin ngoại nói. Ở đâu mà chẳng có đêm. Ngoại xoa đầu tôi: “Không tin, thì ở lại với ngoại thì biết”. Tôi nhìn ba mẹ, mong muốn một câu trả lời đồng ý. Thế là cả nhà tôi ở lại. Trời chập choạng tối… rồi đồng hồ chỉ 7 giờ, 8 giờ; hết chương trình thời sự ti vi mà ngoài trời vẫn cứ chập choạng. Thấy lạ, tôi bước ra ngoài, xung quanh nhà, các vườn thanh long sáng rực ánh đèn điện. Một không gian lung linh, huyền ảo. Tôi và em chạy dọc theo con đường, làn gió nhè nhẹ thổi mát dịu, mang mùi hương hoa thanh long nồng nàn, ngây ngất. Ôi ! đẹp quá…Tôi muốn hô to lên giữa không gian thanh long bạt ngàn quê ngoại.                                       

THANH TRÚC