Người đan gùi Raglai

Người đan gùi Raglai

BT- Với nhiều người ở  hai  xã vùng cao Mỹ Thạnh, Hàm Cần ( Hàm Thuận Nam), ông Nguyễn Văn  Hiểu (dân tộc Raglai) là một người khá đặc biệt. Ông giữ nghề đan những chiếc gùi dùng trong sinh hoạt hàng ngày (đi rẫy, gùi củi…) của đồng bào K’ho, Raglai khi mà người biết nghề đan ngày một ít đi. Ông Dơn, một người dân ở xã Mỹ Thạnh nói: “Gùi  để đeo đi rẫy vớ, nhưng bọn trẻ thì không thích  đan nữa rồi. Trẻ thích làm những việc gì nhanh thôi”. Vì  không còn ai muốn đan gùi truyền thống của dân tộc mình nên mỗi năm,  vào những tháng mùa xuân, khi  công việc làm  đất cho cánh đồng bắp lai,  rẫy mì chưa trở nên thúc bách thì ông Hiểu  mải miết đang gùi. Có khá nhiều người dân ở Mỹ Thạnh và Hàm Cần đặt gùi cho ông đan, cũng như  đến tận nhà lấy gùi thay vì ông đi giao. Hiện nay, giá mỗi chiếc gùi là 300 ngàn đồng, và người đặt hàng phải chờ khoảng hơn 1 tuần mới có. Ông Hiểu nói: “Phải chọn tre nứa già, chẻ mỏng và mây cũng là loại  chắc mới đan được”. Thật thế,  gùi của đồng bào dân tộc K’ho, Raglai ở Nam Tây Nguyên và  Bình Thuận đều  có nan rất nhỏ và mỏng, đòi hỏi rất nhiều công đan mới thành  chiếc gùi. Là người đan gần như chuyên nghiệp, song ông Hiểu  cũng cần đến 3 ngày (không tính công lấy  nguyên liệu) mới  hoàn thành một chiếc gùi hoàn chỉnh. Nhờ đan gùi, ông Hiểu có thêm khoản thu nhập chi dụng trong gia đình, thay vì trông vào gần 2 triệu đồng lương hưu Nhà nước trả cho sau một số năm tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khi  nói với chúng tôi về chuyện những chiếc gùi, ông Hiểu xót xa: “Tôi già rồi chỉ đan được vài năm nữa thôi. Mai mốt, người trong làng có khi phải đi rất xa tìm người đan”. Lúc ấy, tôi nghĩ: không ai dạy nghề đan gùi bởi gùi không phải là hàng hóa bán chạy khi có nhiều người đan và số lượng lớn. Nhưng nếu ai đó  hướng dẫn đồng bào thu nhỏ tối đa  chiếc gùi, trở thành mặc hàng mỹ nghệ, cung cấp cho các cơ sở du lịch, biết đâu một cơ hội lại mở ra với đồng bào. Vấn đề là ai nghĩ và  tổ chức thế nào!?

Ông Nguyễn Văn Hiểu, chuyên đan gùi ở xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam.

Hà Thanh Tú