Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực: Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ ở Phan Thiết 

BT- Kebab là tên gọi chung chỉ món bánh mì thịt nướng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhân thịt của bánh mì Kebab chính gốc rất đa dạng, có thể là thịt cừu, bò, gà, lợn, dê và cả cá, tôm, cua. Nhưng những người theo đạo Hồi và Do Thái giáo không dùng thịt heo (lợn) để làm nhân bánh vì lý do tôn giáo.  

Lai lịch một món bánh

Món bánh mì Kebab thâm nhập và phát triển tại Việt Nam, trước hết là ở Hà Nội và tiếp theo đó là thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây khoảng 8 năm, một người Việt Nam từng đến Đức học tập và làm việc đã đưa món bánh này về nước. Đó là anh Trần Minh Ngọc, bếp trưởng của nhà hàng trong viện Goethe tại Hà Nội. Với hương vị lạ và hình thức lạ, người tiêu dùng ai cũng muốn ít nhất là “ăn thử một lần cho biết”, nên ngay sau đó, các cửa hàng bánh mì Kebab nhái theo anh Ngọc đã mọc lên tại Hà Nội như nấm sau mưa.

Bánh mì Kebab bán tại 482 Trần Hưng Đạo - Phan Thiết. Ảnh: H.C

Hãng thông tấn Đức DPA đã gọi hiện tượng này là “lai văn hóa”. DPA cho biết những chiếc bánh mì Kebab được người Thổ Nhĩ Kỳ mang đến nước Đức trong thời kỳ hậu thế chiến thứ II và trở thành một món ăn đường phố, bình dân, phát triển còn hơn ở chính quê hương của nó.

Bánh mì Kebab tại Việt Nam thường dùng nhân thịt heo, kèm theo đó là các loại rau như hành tây, xà lách, cà chua, dưa leo, bắp cải tím, bắp cải trắng xắt nhỏ. Nước chấm rót vào bánh mì Kebab không phải là nước tương đen như bánh mì truyền thống lâu nay, mà là tương ớt và nước sốt trắng.

Bây giờ, 8 năm sau khi chiếc bánh mì Kebab đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, bánh mì Kebab mới xuất hiện tại Phan Thiết để góp phần làm phong phú thêm hương vị ẩm thực tại thành phố du lịch miền biển.

Về hình thức, bánh mì Kebab hoàn toàn khác với ổ bánh mì dài truyền thống lâu nay của Việt Nam. Bánh mì Kebab được chia thành các loại sau: Bánh mì Doner Kebab có hình tam giác, bánh mì King Kebab, Pin Kebab có hình tròn. 

Kebab  ở Phan Thiết

Anh Võ Hữu Chương, 27 tuổi, chủ cửa hàng Pin Kebab tại 482 Trần Hưng Đạo Phan Thiết vừa mới khai trương ngày 3/4/2013 là kiến trúc sư giám đốc Công ty ByInterior đang hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh. Vì rất “yêu” bánh mì Kebab, nên anh muốn đưa bánh mì Kebab về giới thiệu tại quê nhà. Bản thân là kiến trúc sư nên anh Chương thiết kế gian hàng Pin Kebab nhỏ bé của mình trang nhã và bắt mắt với tông màu hồng – trắng. Theo Chương, anh sử dụng màu hồng làm màu chủ đạo cho cửa hàng của mình vì từ hồi bé, anh thấy Phan Thiết có rất nhiều hoa giấy hồng. Tình yêu quê mẹ của anh thể hiện ở màu hồng hoa giấy làm màu marketing cho cửa hàng của anh. Ở cửa hàng nhỏ này, các nhân viên chế biến cũng được mặc trang phục riêng với màu áo đỏ, mũ hồng, như một cách phân biệt chính mình với những hàng bánh mì khác, cũng là một hình thức văn hóa trong phục vụ khách hàng. Văn hóa phục vụ khách hàng còn được nâng cấp lên bằng cách bánh mì được gói kỹ trong một lớp giấy sáp, đặt trong một hộp giấy có kèm theo khăn giấy và tăm rồi mới bỏ vào túi ni lông trao cho khách. Người khách mua bánh mì Pin Kebab tại đây có cảm giác mình được cửa hàng trân trọng hơn.

Chiếc bánh mì tròn Pin Kebab có một lớp mè, cầm gọn tay, cắn từng miếng nhỏ giòn, mềm và gần như không có vụn bánh rớt như bánh mì dài ta thường ăn lâu nay. Do đó người ăn có cảm giác ngon, gọn, và sạch sẽ hơn.

Về hình thức, bánh mì Kebab hoàn toàn khác với ổ bánh mì dài truyền thống lâu nay của Việt Nam. Bánh mì Kebab được chia thành các loại sau: Bánh mì Doner Kebab có hình tam giác,  bánh mì King Kebab, Pin Kebab có hình tròn.

Hoàng Cẩm