Sông Phan

Sông Phan (Hàm Tân): Nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai, K’ho

BT- Đoạn nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55 chạy ngang qua thôn, qua đất sản xuất của đồng bào K’ho, Raglai  thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Có nhiều  chỗ nền đường mới  đắp rất cao,  nhà  của đồng bào trước đây ngang mặt đường thì nay nằm dưới hố sâu. Không những thế, đồng bào còn mất đường đi lại, đường đưa con đi học. Muốn lên được đường mới, người và xe cứ phải vượt dốc thẳng đứng. Nhiều phụ nữ không quen vượt dốc, cứ phải  đứng  hàng giờ,  chờ có ai đi lại  nhờ đưa xe lên giùm... Nguyễn Văn Hương, một nông dân 40 tuổi, dân tộc Raglai,  nói: “Đồng bào ở đây, nhiều nhà không có lối ra đường, khổ lắm!”. Khó khăn thế, song họ vẫn hết sức tạo điều kiện cho đơn vị làm đường, cho dù đường mới đi ngang qua phần đất mà nhiều người trong số họ chưa được nhận tiền đền bù.

Thiếu nữ K’ho trong lễ hội. Ảnh minh họa.

 Đáp lại, những người mất đường đi lại, dầu chữ nghĩa không nhiều, thậm chí không biết chữ  vẫn cố gắng viết đơn, hoặc nhờ người viết đơn, gởi  huyện nhờ giải quyết. Trong khi  chờ,  nhiều người vẫn  cố gắng leo dốc đứng, tìm lối đi mới cho dù rất xa mà không hề có động thái gì khả dĩ gây khó khăn cho địa phương và cho đơn vị làm đường. Ông Lê Xuân Dâm, Bí thư chi bộ thôn giải thích những điều trên như sau: Từ lâu đã có cộng cư giữa 185 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh trong thôn. Ngoài các chính sách ưu đãi, đồng bào dân tộc thiểu số còn được nâng cao đời sống tinh thần thông qua sách báo, phim ảnh (khá nhiều loại văn hóa  phẩm được phát không thu tiền). Mặc khác, nhờ trồng cây công nghiệp ngắn ngày, có đất làm vườn, trồng các loại cây ăn quả… nên 100% số hộ đồng bào thiểu số trong thôn đều đủ ăn, có tích lũy, đi lại giao lưu vì thế khá hơn. Sự cộng cư còn tạo nên những mối hôn nhân: Kinh - Raglai, Kinh - K’ho…  và theo đó là sự  giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Lâu ngày dày tháng, văn hóa sống, văn hóa ứng xử của đồng bào thiểu số ngày một tiến bộ, văn minh. “Đời sống kinh tế thì có điểm còn thua đồng bào Kinh, nhưng ở lĩnh vực văn hóa thì bà con có nhiều  thay đổi” - Bí thư chi bộ Lê Xuân Dâm, nói thêm.

Đó là điều đáng mừng ở một thôn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

N.T.T