Cần mạnh dạn tạo ra những sản ph

Cần mạnh dạn tạo ra những sản phẩm mới cho du lịch

BT- Đối với Bình Thuận, cây thanh long được xem là biểu tượng của các loại cây ăn trái, vì nó đã mở ra hướng để xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho nhiều hộ gia đình nông dân ở các địa phương Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… Nếu chỉ tính riêng địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, nơi được xem như thủ phủ của cây thanh long đã xuất hiện khá nhiều “tỷ phú thanh long”. Vào mùa, khó có một ai cưỡng lại được vẻ đẹp khi đứng trước những khu vườn thanh long đang ra hoa và kết trái, hay từ vị trí trên cao được ngắm nhìn khung cảnh về đêm huyền ảo được phối kết giữa ánh đèn lung linh với màu xanh bạt ngàn của tàu lá thanh long vào vụ chong đèn. Tuy nhiên hiện nay, đối với ngành du lịch tỉnh ta vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa khai thác hết tiềm năng loại hình du lịch sinh thái này. Ở đây cần nói một cách cụ thể hơn, đó là chúng ta chưa có sự định hướng cho người nông dân đang là chủ sở hữu của những vườn thanh long. Ngành du lịch chưa xây dựng mô hình du lịch nhà vườn thanh long để thu hút khách du lịch, mà đặc biệt là đối với khách du lịch người nước ngoài rất thích được tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu nhà vườn cây ăn trái, nhất là vào thời điểm cây thanh long đang ra hoa và kết trái; đồng thời kết hợp với việc tổ chức cho khách du lịch được trực tiếp tham gia vào công việc chăm sóc, thu hoạch loại cây này. Chẳng hạn tại Hội An, ngành du lịch đã mạnh dạn tổ chức cho khách du lịch nước ngoài tham gia vào những công việc đồng áng “tay lấm, chân bùn” của người nông dân trên đồng ruộng như cày ải, gặt lúa… Họ đã gặt hái thành công với mô hình du lịch này, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch cho ngành du lịch tỉnh nhà. Trong thực tế hiện nay, một số đầu bếp ở vài resort tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam đã biết cách sử dụng trái thanh long để chế biến món ăn phục vụ du khách, đã trở thành thực đơn khoái khẩu đối với khách người nước ngoài. Đồng thời, một vài doanh nhân đang cố công tìm tòi để chế biến bông và trái thanh long theo dạng sấy khô, nước ép trái cây, trà… Nếu sản xuất thành công và tìm ra thị trường tiêu thụ thì đây là điều kiện làm tăng thêm phần lợi thế so sánh cho ngành du lịch để tìm đến hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh từ chính loại cây trồng được xem là biểu tượng trên vùng đất “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.

Vườn thanh long khi ra hoa rất đẹp, có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái... Ảnh: N.L

Thiết nghĩ, ngành du lịch tỉnh cần hết sức mạnh dạn trong công tác định hướng, kể cả đầu tư vốn để tạo ra những sản phẩm mới cho ngành du lịch, nhằm tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh đối với vấn đề thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Bình Thuận.

Duy Vinh