Để du lịch duyên hải miền Trung

Để du lịch duyên hải miền Trung sớm phát huy lợi thế

 

Vùng duyên hải miền Trung là dải đất hẹp ngang bao gồm chín tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận với diện tích 49.409,7km2; chiếm gần 15% diện tích cả nước. 

Vị trí là cầu nối giữa Bắc Trung Bộ với Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho vùng duyên hải miền Trung khai thác, phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. 

Vùng duyên hải miền Trung có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội. Tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đều giáp biển với tổng chiều dài 1.430km, chiếm 43,8% bờ biển cả nước. Bên cạnh nhiều bãi biển đẹp, trong vùng còn có nhiều bán đảo như Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) cùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, rất thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo.

Khu du lịch biển Mũi Né từ trên cao. (Nguồn: TTXVN)

Với lợi thế về vị trí địa lý, các tài nguyên du lịch biển, vùng duyên hải miền Trung còn kết nối với tài nguyên du lịch núi rừng Trường Sơn, tạo nên sự phong phú, kết hợp đặc biệt giữa núi rừng và biển đảo. Tiềm năng du lịch nhân văn trong vùng gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử; trong vùng tập trung 4 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Cơ sở hạ tầng, lữ hành, các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch... khá hoàn thiện.

Thực hiện liên kết vùng, tổng mức thu hút vốn đầu tư toàn vùng giai đoạn 2007- 2011 là 473.718 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân là 14,02%. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch thời gian gần đây tập trung vào một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận. 

Đáng chú ý là có sự chuyển dịch trong cơ cấu đầu tư, từ các khách sạn ở phân đoạn tầm trung sang các khu resort, khách sạn cao cấp với một số dự án lớn như dự án Quần thể du lịch Laguna Lăng Cô (Huế), các dự án BaNa Hill, Crowne International Casino (Đà Nẵng), Vinperland (Khánh Hòa), Sea Links Cty (Bình Thuận)... tạo những điểm vui chơi giải trí cao cấp thu hút khách du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trong vùng.

Việc khai thác các tiềm năng du lịch biển, đảo đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn. Tổng lượng khách du lịch đến các địa phương trong vùng năm 2012 là 18,816 triệu lượt; trong đó khách quốc tế đạt hơn 4 triệu lượt, chiếm trên 59% so với tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm. Lượng khách đến cao nhưng số ngày lưu trú bình quân lại thấp, chỉ từ 1,7-2,5 ngày. Doanh thu du lịch của vùng trong năm 2012 là 15.076 tỷ đồng, chiếm hơn 9% tổng doanh thu du lịch cả nước và bằng 18,03% tổng GDP toàn vùng.

Nhìn chung, thực trạng phát triển du lịch của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch của các địa phương. Một số vấn đề còn tồn tại như chưa thực sự hình thành mối liên kết toàn diện trong phát trỉển du lịch của vùng và giữa các địa phương; chưa có tiếng nói chung giữa các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch; chưa khai thác hết tiềm năng thu hút khách du lịch của vùng. Chất lượng dịch vụ nhiều nơi chưa cao, hiệu suất sử dụng phòng còn thấp, vẫn còn tình trạng nâng giá lưu trú, dịch vụ quá mức trong mùa du lịch cao điểm.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, để phát triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và toàn vùng duyên hải miền Trung trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, huy động tối đa nguồn lực của từng địa phương và tranh thủ sự hợp tác trong nước, hỗ trợ quốc tế... phải tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch biển, xây dựng các khu du lịch biển có tầm cỡ khu vực và quốc tế, chất lượng cao, bổ sung các sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển. Cần gắn phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa với di sản, lễ hội, tham quan; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng; kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo lập chuỗi các thương hiệu du lịch trong vùng...

Để sớm phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch trong vùng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; tạo môi trường thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào các địa bàn du lịch trọng điểm; mở rộng các loại hình dịch vụ giải trí, nhất là các dịch vụ cao cấp; xây dựng cơ sở lưu trú cao cấp với quy mô lớn. 

Ngoài ra, thực thi cơ chế khuyến khích chất lượng và hiệu quả du lịch thông qua hệ thống đánh giá, thừa nhận và tôn vinh thương hiệu, nhãn hiệu, danh hiệu, địa danh du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tạo bước đột phá trong triển khai những công trình có ảnh hưởng quyết định, tạo ra liên kết phát triển du lịch vùng.

Văn Sơn (TTXVN)