Gió núi… Tà Cú

Gió núi… Tà Cú

Gió gì như gió bà cô

Lạnh từ hang núi, đáy hồ lạnh lên…

BT- ...Quanh vùng núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), mấy già Chăm còn kể cho con cháu nghe truyền thuyết về thần mưa Pô Ta Cu, vì không nghe lời Mẹ xứ sở mà bị phạt phủ phục suốt đời thành dáng núi ngày nay. Đêm đêm, hơi thở của thần lạnh lẽo cô đơn, chốc chốc quặn xoáy, nhịp thở đớn đau dằn vặt, ăn năn, nên con người muôn đời sau cứ đến “mùa đọa” là than vãn: Mùa này gió núi…

Gió núi về đêm không phải từ biển ào vào mà xoáy từ lòng núi ra, ngẫm như bà cô mang nỗi niềm khó nói, ngày xù lên, ồn ào nhưng khi đối diện chính mình trong đêm thì lạnh lẽo, oặn mình, quặn thắt ruột gan, tự làm đau mình. Có người gọi “gió bà cô”, “gió cô đơn” là vậy.

Leo núi Tà Cú.

Ngày má tôi còn sống, cứ tiết giêng hai là mấy chiếc máy cày từ Lương Sơn vào cày đất rẫy cho má, chuẩn bị xuống giống dưa hấu. Một hôm, má về bế trong thúng ra cho tôi chú thỏ con, loại thỏ rừng lông xám, hai mắt dễ thương hết biết. Má nói: Nó chạy lên dốc bị gió bạt tứ hướng, chạy đâu cũng bị bạt nên ngồi thu lu. Tay tôi vuốt chú thỏ, mắt không thể rời khỏi đôi mắt long lanh của nó nhưng miệng thì thắc mắc: Gió gì lúc hướng này lúc lại hướng khác má? Má tôi vừa luôn tay luôn chân vừa bâng quơ: Gió xoáy loạn như giặc, đích thị gió núi chớ còn gió nào vào đây nữa. Chợt thấy tóc tai má bù xù, rối tung, xơ cứng, tôi như thấy cái thứ gió núi ấy đang còn xoáy lốc trên mái tóc má, tôi dương đôi mắt trẻ thơ nhìn hồi lâu lưng áo nâu với vô vàn gợn trắng mồ hôi đọng mờ mờ muối biển ấy rồi đến nép nhẹ vào người má, lòng tràn ngập những rúng động xót thương. Má phủi vội bụi bặm quanh người, bối rối: Mùa này gió núi…

Đi học xa về. Ba ngày, môi tôi phồng rộp, da cháy nám. Ba tháng, tôi như cây xương rồng khô quắt lại. Ba năm, người nâu đen bóng ưởng còn hơn đá gan gà. Nhìn ra đường, đàn bà con gái cắm cúi đi, quai nón lá bóp thắt vào cổ, người ngợm như lõi cây trắc, cây căm nâu sùi. Mắt đàn bà miền núi nhìn ngược vào trong, kín đáo nhưng khi yêu thương, hờn giận thì như có gió dâng, gió cuộn. Lâu dần thành quen, lại trở nên thương thích những tính cách mạnh mẽ gió núi, yêu thích những văn hóa nóng lạnh rõ ràng, biết cảm biết thương sâu đậm thủy chung của con người nơi vùng sơn cước, yêu thích ruột rà máu thịt mình những gì mang màu nâu đen gần gũi, người đen cháy thì nói trìu mến là đen giòn, da nâu sùi thì xuýt xoa quý hóa là da bánh mật, nhìn mái tóc nắng cháy chẻ ngọn nâu không ra nâu, đen không ra đen thì tin yêu gọi con nhà chịu thương chịu khó, không thói tật đua đòi, biếng nhác. Thói quen nào cũng dễ chịu là vậy. Hơn nửa đời người sống dưới chân núi Tà Cú, tôi chưa lần buột miệng: “Mùa này gió núi…”, khắc nghiệt nhưng là cuộc sống của tôi, đâm nghiện, đi xa chút đã nhớ gió núi. Tôi sống buồn vui thăng trầm cùng những cơn gió núi nóng rát khi ngày lên, buốt lạnh khi đêm xuống, giật xoáy mỗi ngày, quặn thắt mỗi ngày và cũng nồng đượm, mạnh mẽ mỗi ngày.

Thuật, bạn tôi, bươn bả tứ xứ giờ quay về suốt ngày ở lì trong vườn đào lộn hột, anh giữ đào bằng tiếng gà rừng, tức có tiếng gà óc eo góc đằng kia là yên, im tiếng gà thì coi chừng có trộm, vậy mà hơn chục lần anh đã bị lầm chỉ vì cơn gió núi lồng dữ quá, cây lá ào ạt đánh mất sự yên tĩnh thường ngày.  Ghét gió núi là vậy mà gần đây anh cũng nhiễm tâm tính của tôi, coi khinh những cơn gió ẻo lả, yếu ớt, tan nhanh và đã yêu nâu, yêu đen từ lúc nào không hay.

Tôi không có thói quen soi gương nhưng trưa nay tình cờ đi ngang cửa tủ áo, chợt sựng lại ngạc nhiên trước một khuôn mặt sạm đen, tích đến dày bóng cái nắng cái gió nơi này, như từ vô thức tôi mỉm cười: Mùa này gió núi…

Nguyễn Hiệp