Rượu cần Mỹ Thạnh vọng về lá rừn
Rượu cần Mỹ Thạnh vọng về lá rừng
BT- 1. Những ngày này, sau khi vụ
bắp hè thu vừa kết thúc, bà con người Rai vào rừng khai thác le, song - mây đều
cảm nhận cái tết miền xuôi đang đi về. Không chỉ vì hàng hóa được tập kết về cửa
hàng của Trung tâm Dịch vụ miền núi hay tại các điểm buôn bán trong xã nhiều
hơn, mà còn vì nắng chói trên đầu, cơn khát ào về, báo hiệu mùa khô bắt đầu. Với
đám thanh niên, không khí tết thấy rõ qua hình dáng của thùng bia, lon bia tại
bất cứ điểm bán hàng nào trong xã, có sức cuốn hút hơn rượu cần. Say của bia, êm
dịu hơn cái say của rượu cần. Mùi vị của bia cũng ngon hơn mùi vị của rượu cần.
Cách uống của bia độc lập hơn, khẳng định bản thân hơn khi uống rượu cần. Cứ
thế, họ so sánh… Và khi chiều về, nhất là những ngày gần tết này, phần lớn thanh
niên trong xã chọn bia uống giải khây với nhiều lý do khác nhau. Còn người già
chợt nhớ đến ché rượu cần chưa ủ cất, lần đến các quán mua gạo và mấy cục men
đồng bằng về ủ với nhủ thầm rằng, ủ để cúng đầu năm, để mấy người già uống hàn
huyên mấy ngày tết rồi thôi. Rượu cần ủ theo kiểu mì ăn liền này thường nhanh
nhạt.
2. Ừ, bọn trẻ bây giờ không muốn
uống rượu cần nữa. Bởi thế, việc ủ rượu cần cũng chỉ là công việc của người già.
Thì thôi, mua vài ba cục men của đồng bằng, mấy ký gạo đem ủ cũng xong. Các loại
lá ấy vẫn còn trên rừng nhưng bây giờ nhắc đến cứ như chuyện ngày xưa. Ông Hoàng
Văn Lức, người không phải già làng, trưởng bản ở đây nhưng ông được đánh giá là
người uy tín ở xã đã phải chấp nhận một thực tế như thế. Ông đang ở độ tuổi 73,
74 nhưng cách nói, điệu cười là của người còn trẻ tuổi. Cộng thêm cái dáng thong
dong, nhanh nhẹn, da trắng đỏ, khiến người ta muốn hỏi bí quyết về sự khỏe mạnh
ấy. Chỉ có thể nhờ các loại lá thuốc trong rừng, những chiếc lá bí truyền. Bởi
thế, nói đến chất men lấy từ rừng cho rượu cần Mỹ Thạnh cũng chỉ hy vọng sự hiểu
biết của ông.
Ông Lức kể, trước đây, cứ vào trước
ngày tết của người Rai và ngày tết Nguyên đán của Việt Nam, ông và nhiều người
khác vào rừng tìm các loại lá làm men ủ rượu cần. Lá sa ke, lá bó, lá thỏ… và lá
mít trộn giã nát cùng với lượng gạo tương ứng đã ngâm qua đêm. Dồn hỗn hợp này
thành cục đặt trên nia, sàn có lá phủ kín để trong nhà, đến khi mốc lên thì đem
ra phơi nắng từ 15 - 20 ngày. Lúc này, men rừng đã hình thành hoàn chỉnh. Tùy
theo ché lớn hay nhỏ mà quyết định nấu cơm với lượng gạo bao nhiêu. Sau khi cơm
chín, để nguội hoàn toàn rồi trộn chung với men trên. Ché phải rửa sạch, phơi
phóng khô ráo rồi lót 1 -2 nắm trấu sạch dưới đáy ché để tạo hơi và đổ hỗn hợp
cơm, men vào, đậy kín kéo dài 1 - 2 tháng là có rượu cần uống. Uống đến nước thứ
3, 4, rượu vẫn còn đậm đà. Nhờ men từ lá rừng và còn nhờ sự nguyên chất của hạt
gạo từ lúa mẹ.
3. Bây giờ, ở Mỹ Thạnh chỉ có 13 ha
trồng lúa nước. Phần lớn diện tích đất sản xuất trong xã chuyển sang trồng bắp
lai, vì có hiệu quả cao hơn. Cuộc sống khác trước. Ché rượu cần không còn là
hình ảnh thể hiện sự sung túc của chủ nhà trong những ngày tết nữa. Nhưng dù
vậy, nhà nào ăn tết lớn, ngoài bia, bánh, thịt vẫn có thêm ché rượu cần để cúng
trong nhà mới là đầy đủ. Như là sự vương vấn. Ông Lức nói, sắp tới tôi gắng
hướng dẫn con cháu nhận dạng các loại lá làm men rượu để chúng tập ủ rượu cần.
Lúc đó mời nhà báo lên thưởng thức…
Bích Nghị