Người
Người “giữ lửa” cho
làng nghề thổ cẩm
BT- Trước
thực trạng sản phẩm dệt thổ cẩm ở các làng nghề trong và ngoài tỉnh đang dần mai
một, việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của
người Chăm càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Với mong ước giữ được làng nghề dệt
thổ cẩm, ông Lư Văn Xuống (SN 1954) ở thôn Bình Thắng, Phan Hòa, Bắc Bình đã cải
tiến ra khung dệt thổ cẩm và đang truyền nghề cho hàng trăm lao động trong vùng.
Ấp ủ ước mơ
Sau vài lần hẹn
gặp tôi đã được nghe ông trải lòng về câu chuyện giữ làng nghề thổ cẩm mà ông đã
ấp ủ khi còn thời thơ ấu. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Chăm xã Phan Hòa, ông
Xuống đã tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm như những con tằm nhả tơ
vàng cần mẫn dệt nên những tấm thổ cẩm với đủ loại hoa văn, màu sắc độc đáo.
Chính vì thế, ông rất quý những tấm thổ cẩm và luôn nung nấu ước mơ làm sao để
làng nghề dệt thổ cẩm của quê mình được lưu truyền mãi mãi, để các mẹ, các chị
đỡ vất vả khi ngồi bên khung dệt. Ý tưởng ấy đã khiến ông trăn trở suốt mấy chục
năm qua và bây giờ ông quyết định làm một điều gì đó cho làng nghề thổ cẩm nơi
mình sinh sống. Trong thời gian công tác tại UBND xã Phan Hòa, ông đã đi đến
nhiều làng nghề dệt thổ cẩm trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu cấu tạo của khung
dệt thủ công và học được cách dệt. Sau gần 10 năm nghiên cứu, tìm tòi, trải qua
bao thất bại, cuối cùng vào năm 2005, sáng chế khung dệt thủ công của ông được
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ II trao giải nhì với tác phẩm “Khung dệt
thổ cẩm cải tiến”, và được chuyển giao công nghệ cho Trung tâm Khuyến công tỉnh,
nhằm nhân rộng đến các vùng có làng nghề dệt thổ cẩm trong tỉnh.
|
Ông Xuống đang hướng dẫn cho người thợ bên
khung dệt cải tiến của mình |
Người “giữ lửa” cho
làng nghề
Để học được nghề
dệt thổ cẩm trên khung dệt cải tiến không phải là điều đơn giản. Bởi khung dệt
cải tiến cấu tạo rườm rà hơn khung dệt truyền thống với khung go, cần treo go,
cần kéo thoi dệt, cần số dệt, lược dệt, thoi dệt. Với cấu tạo này, cuộn chỉ dệt
hoa văn được mắc vào khung dài nên người thợ dệt đỡ tốn thời gian dừng lại để bổ
sung chỉ. Người thợ dệt ngồi trên ghế cao 0,5 m, hai tay điều khiển bàn lược dệt
và thoi dệt, còn hai chân điều khiển cần số dệt go nền và go văn hoa tựa như một
nghệ sĩ đánh đàn piano. Còn thao tác dệt bằng khung truyền thống rất vất vả,
phải ngồi sát xuống đất dùng hai chân và hai sợi dây gắn hai đầu khung choàng
qua sau lưng để căng chỉ trên khung dệt. Công đoạn dệt hoa văn rất khó, người
thợ phải lấy tầng sợi chỉ cột sẵn xỏ qua tầng cây rồi đến thao tác cho thoi qua
chỉ dệt nên hoa văn thường và không đều, năng suất rất thấp, mỗi ngày chỉ dệt
được 0,4 – 0,5m, khổ vải dệt hẹp tối đa rộng 0,9m dài 2,2m. Dệt thổ cẩm trên
khung dệt cải tiến năng suất tăng gấp 5 – 6 lần so khung dệt truyền thống, mắc
chỉ một lần dệt được từ 50 – 100 m tùy theo người dệt. Là người hiểu rõ tính
năng của khung dệt thổ cẩm cải tiến hơn ai hết, nên ông Xuống liên tục được các
Trung tâm dạy nghề ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình mời về dạy nghề ở các làng nghề dệt
thổ cẩm như Phan Thanh, Phan Hòa, Ma Lâm, La Dạ. Ông Xuống chia sẻ: Người thợ
dệt nào mới học nghề trên khung dệt cải tiến ban đầu sẽ gặp khó khăn. Bằng tất
cả sự hiểu biết của mình, tôi vừa dạy lý thuyết, vừa trực tiếp hướng dẫn họ thực
hành nên ai cũng học được nghề và chăm chỉ dệt. Điều đặc biệt ở khung dệt cải
tiến là dệt được tất cả các kiểu hoa văn của các dân tộc khác như: Chăm,
Rag-lay, K’ho… Mỗi kiểu hoa văn có một công thức tính riêng, nên người thợ dệt
phải học thuộc để ứng dụng cho đúng. Có nhiều hoa văn được truyền qua nhiều thế
hệ, cũng có nhiều kiểu được cách điệu nhưng tất cả đều toát lên được nét văn hóa
đặc sắc riêng của các dân tộc đó.
HÀ TRÚC