Sức sống mới ở vùng căn cứ Ba Hò

Sức sống mới ở vùng căn cứ Ba Hòn

Ngược dòng lịch sử

BT- Khu căn cứ Ba Hòn là địa danh thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Ba Hòn gồm ba hòn núi thấp, hòn nọ cách hòn kia không quá 100m. Có lẽ, người xưa thấy ba hòn núi nằm cạnh nhau, nên gọi tên là Ba Hòn. Đây vừa là chỗ đứng chân của các cơ quan Dân Quân Chính Đảng Phan Thiết suốt 9 năm chống Pháp và là một trong những điểm bám trụ của quân dân thị xã trong những năm dài chống Mỹ đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang. Ngày ấy, địa bàn khu căn cứ phần nhiều đất đỏ, nhiều cụm rừng cây có gai và dây bụi đan xen nhau, khó rẽ thành lối đi, đồng bào có thể tìm thấy nước ngọt ở các bưng Cò Ke, bưng Bà Tùng, bưng Bí…  Đặc biệt là khu căn cứ Cò Ke - Ba Hòn với những cánh rừng bạt ngàn nổi tiếng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Nằm ở Cò Ke - Ba Hòn, quân dân ta sử dụng được nguồn tiếp tế phục vụ cho nhiều yêu cầu của cuộc kháng chiến từ thị xã bằng các phương tiện vận chuyển trên quốc lộ 1. Cũng ở trục lộ này, ta dễ có cơ hội tấn công bẻ gãy một vài cuộc hành quân của địch bằng cơ giới.

Được sự giới thiệu của ông Phan Thanh Trí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hàm Kiệm, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Minh, người cựu chiến binh của Tiểu đoàn Đặc công D.200C - Quân khu 6, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hàm Kiệm. Trong ký ức thẳm sâu của ông, mọi thứ dường như vẫn còn nguyên vẹn như ngày hôm qua, ông hồi tưởng: “Chúng tôi hoạt động bí mật ở khu căn cứ Ba Hòn, ăn toàn khoai với sắn nhưng tinh thần chiến đấu thì hăng lắm. Với địa hình có rừng bao phủ, lau lách rậm, có nguồn nước nuôi sống bộ đội nên nơi đây rất thuận lợi cho hoạt động, diệt ác phá kiềm, làm căn cứ điểm diễn ra các trận đánh tại sân bay Êsêpic Bình Thuận, trận Chi khu Hàm Thuận (nay là ngã hai Hàm Mỹ) và tấn công căn cứ Đồn 18 trên địa bàn xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam vào đêm 11/10/1971 làm nên những thắng lợi vẻ vang”. Trên gương mặt đã hằn sâu vết thời gian, ông Minh không giấu được cảm xúc: “Tôi nhớ các đồng đội đã hy sinh, anh Trương Quang Lục - Tổ trưởng tổ đánh thọc sâu, anh Nguyễn Huy Hoàng - Mũi trưởng căn cứ Đồn 18, Nguyễn Văn Tuấn...”.

Đến sự đổi thay

Đến bưng Cò Ke trong những ngày đầu năm. Khó ai nghĩ rằng, vùng đất này sau chiến tranh chỉ là đất trống, đồi trọc, chỉ có lau lách và cỏ mọc đầy. Nhưng giờ đây, một sự đổi thay đến kinh ngạc, màu xanh của sự no ấm bên ruộng nương.

Từ cây số 12 (Hàm Kiệm), chúng tôi theo con đường đất ngoằn ngoèo tiến về hướng Ba Hòn. Con đường vào Ba Hòn đã dễ đi hơn rất nhiều so với trước đây. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm rải rác bên những cánh đồng mè xanh tốt, xa xa là những đàn bò đang gặm cỏ. Những đồi đất hoang hóa được bà con trồng mè, bí, đậu phộng.

Bưng Cò Ke có khoảng 32 hộ dân chủ yếu là làm nương rẫy. Điển hình như câu chuyện của gia đình ông Hồ Ngọc Tươi (còn gọi là chú Chín), một nông dân thực thụ đã sống ở bưng nhiều năm. Bây giờ nhà cửa khang trang, xe cộ và các phương tiện được sắm sửa đầy đủ, và tất nhiên ông cũng không thể quên những thăng trầm, gian nan để có được mùa trái ngọt như hôm nay. Bên vườn thanh long chuẩn bị thu hoạch, chú Chín vui vẻ nói: “Mấy năm nay kinh tế bà con trong bưng rất ổn định. Trước đây, bà con chủ yếu trồng mè, nuôi bò, giờ nhà nào khấm khá thì trồng thêm thanh long. Nói chung tết năm nay bà con trong bưng cũng hơi ấm chút”. Cái ấm mà người nông dân này nói đến là ấm về thu nhập, ấm cả về sự sum họp gia đình trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, đi đến đâu cũng thấy nét mặt hồ hởi của người dân ở vùng căn cứ cách mạng này. Cũng giống như chú Chín, ông Nguyễn Văn Đằng phấn khởi cho biết: “Quê tôi bây giờ thay đổi nhiều lắm, đời sống của bà con khá giả hơn trước nhiều. Phải trải qua từng ấy năm chiến tranh, chứng kiến sự đổi thay của quê hương thì mới cảm nhận được công lao của những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Vùng căn cứ Cò Ke - Ba Hòn anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giờ đây với ý chí quật cường, người dân nơi đây đang hăng say làm giàu cho quê hương.

Tuy cuộc sống trong bưng giờ đã khá hơn, nhưng các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ, con cháu của họ chưa được học hành đến nơi đến chốn. Chính vì vậy họ rất mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm hơn, bởi rồi đây sau nhiều năm nữa, chính những đứa trẻ này sẽ là những chủ nhân của đất nước.                 

 Lâm Thanh