Một ngày với ngư dân Mũi Né
Một ngày với ngư dân Mũi Né
BTO- Từ bao
đời nay, biển cả đã là ngôi nhà chung của toàn nhân loại. Khi trời êm gió lặng,
biển ôn hòa, thơ mộng; lúc trái gió, trở trời, biển thét gào nổi sóng. Nhưng
sau cùng thì biển muôn đời vẫn dạt dào. Ôm ấp, vỗ về biển mẹ lặng lẽ nuôi sống
con người.
Bãi biển
phía sau khu phố 5, phường Mũi Né từ tinh mơ đã dậy tiếng bước chân người. Không
phải là những du khách đang nghỉ dưỡng, cũng không phải những tay máy chuyên
nghiệp đang mải tìm cho mình một shot hình tâm đắc, mà là những ngư dân đang tất
bật cho một cuộc mưu sinh trong ánh bình minh.
|
Ngư dân thả lưới từ rạng sáng |
Khi ông mặt
trời vừa vươn vai thì những chiếc lưới rùng (ngư dân quen gọi là lưới dùn) cũng
vừa được tập kết ra bãi biển bằng chiếc Honda dã chiến, sau đó được những thanh
niên lực lưỡng chất lên chiếc thúng chai và đem ra xa. Qua tìm hiểu chúng tôi
được một lão ngư trạc lục tuần cho biết, lưới rùng là loại lưới chỉ dùng để thả
gần bờ. Lưới có cấu tạo dạng tường lưới, chiều cao
tường lưới phải lớn hơn độ sâu nước, sao cho giềng chì luôn sát đáy và giềng
phao luôn nổi trên mặt nước, và cũng không hiểu sao nó có cái tên như
vậy. Chiếc thúng chai thoăn thoắt rẽ nước tiến ra xa, mang theo chiếc lưới và hy
vọng về một sự khởi đầu ngày mới bội thu. Những ngư dân làng chài trẻ tuổi vươn
vai, phóng ùm xuống nước, rẽ sóng theo sau chiếc thúng để tiếp sức. Sau khi đã
hoàn tất công đoạn thả lưới, họ nghỉ ngơi khoảng một tiếng đồng hồ trước khi thu
mẻ lưới đầu tiên. Có cảm giác đây là những thành viên trong cùng một gia đình,
cùng chung tay vào trong tất cả các công đoạn. Từ lão ngư trạc lục tuần cho tới
em bé khoảng 5-6 tuổi, tất cả đều hồ hởi với công việc. Một tiếng đồng hồ trôi
qua, giờ là công đoạn quan trọng nhất: Thu lưới. Những ngư dân làng chài bây giờ
rất sáng tạo. Họ không dùng đôi tay trần để thu lưới, mà sử dụng những sợi dây
có móc 2 đầu. Một đầu quặp vào sợi dây kéo của chiếc lưới, đầu kia quấn chặt vào
ngang hông giống như thợ điện treo mình trên cột; cứ thế họ dùng sức mình lui
chầm chậm từng bước một, dần chiếm ưu thế trong cuộc thi kéo co với biển. Tất cả
già trẻ, gái trai đều căng sức ra, hì hục để thu về mẻ lưới đầu tiền. Lúc này
trời đã sáng hẳn. Du khách thích thú vây tròn và bấm máy lia lịa. Có người sốt
ruột phụ một tay kéo cho mau nhưng không hề dễ. Dây thừng cứa vào tay trần gây
bỏng rát, cộng với nước muối rất khó chịu nên đành bỏ cuộc. Công việc thường
ngày của những ngư dân là như thế chả trách người nào cũng dẻo dai đến kỳ lạ:
làn da rám nắng, hàm răng trắng toát và cơ bắp cuồn cuộn căng tràn sức sống.
Khi những
cầu phao và chì nhô lên khỏi mặt nước thì những ánh bạc lấp lánh cũng xuất hiện,
mùi hải sản còn sống cũng xộc lên. Những du khách hiếu kỳ cùng nhau ồ lên. Cá
quẫy nước trắng xóa. Ven bờ chủ yếu là cá liệt, cá nhồng và một ít mực ống. Tất
cả đều tươi xanh.
Qua trò
chuyện, một lão ngư chia sẻ: Hôm nào nhiều thì được một tạ hơn, đem ra chợ Mũi
Né, ít thì vài chục kí, bỏ mối ở chợ tự phát của khu phố 5. Khi các chị phân
loại, cân ký và cho vào sọt thì các anh thu dọn lưới, bơi thúng cho mẻ tiếp
theo. Các em bé hồn nhiên nhặt những chú cá liệt con thả về lại với biển mà
không để ý tới vẻ mặt trầm ngâm của ba mẹ những hôm thất thu. Chúng không hề
biết rằng công việc mưu sinh của cha me, ông bà chúng ngày càng khó khăn vì vô
vàn lý do…Biển mẹ vẫn hào phóng ban tặng cho con người vô vàn sản vật nhưng
không thể nào là vô hạn…
Đi và cảm
nhận những điều này, ta như càng yêu quý thêm biển cả quê hương, và yêu sao
những người con làng chài Mũi Né hiền hòa. Thiết nghĩ nếu các đơn vị hữu quan có
thể khai thác tốt thì đây sẽ là tiền đề cho loại hình du lịch homestay đầy lý
thú.
Nguyễn
Đoàn