Dinh Vạn Thủy Tú

Dinh Vạn Thủy Tú

BTO- Dinh Vạn Thủy Tú là một trong những dinh vạn lớn và cổ xưa nhất của nghề biển Bình Thuận. Dinh được xây dựng năm 1762 gồm Chính Điện đặt khám thờ thần Nam Hải. Trong Dinh còn lưu giữ 24 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn; là nơi còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán – Nôm liên quan đến nghề biển thể hiện trong nội dung thờ phụng ở cá khám thời, tượng thờ,  hoàng phi, liễn đối, trên văn chuông của Đại Hồng Chung…

Đối với người đi biển, Cá Voi là vị thần cứu giúp họ mỗi khi gặp nạn trên biển và là vị thần thủy chung với ngư dân nên được ngư dân kính yên và tôn thờ. Theo phong tục tập quán, khi phát hiện Ông lụy, làng Vạn phải tổ chức đưa Ông lên bờ và tiến hành nghi thức tang lễ long trọng. Người đầu tiên phát hiện Ông lụy được hưởng nghi thức tang chế như con trưởng của Ông. Làng Vạn làm lễ thỉnh hồn Ông nhập vạn, chọn ngày giờ tốt để mai táng.

Trước Dinh Vạn Thủy Tú có một khu đất rộng để mai táng Ông gọi là Ngọc Lân Thánh Địa. Sau 3 năm mãn tang, tỉnh cốt Ông nhập tẩm thờ trong Dinh Vạn. Qua 200 năm, Dinh Vạn Thủy Tú đã có 3 tẩm với trên 100 hộ cốt Ông được thờ, trong đó có hàng chục bộ cốt rất lớn. Đặc biệt du khách đến tham quan Dinh Vạn Thủy Tú sẽ tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương Cá voi lớn nhất Đông Nam Á có chiều dài 22m. Dinh Vạn Thủy Tú đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc Gia vào năm 1996.

PV